“Ôi, chẳng ích lợi gì đâu, tôi đã già quá rồi (hay “Tôi còn quá trẻ”).” – MẦM MỐNG CĂN BỆNH “ĐỔ LỖI” TUỔI TÁC

“Đổ lỗi cho tuổi tác” là một chứng bệnh khiến bạn cảm thấy tuổi tác của mình không phù hợp để làm bất cứ việc gì, bạn e ngại phải chuốc lấy thất bại. Căn bệnh này thường có hai loại rất dễ nhận biết: hoặc “Tôi đã già quá rồi”, hoặc “Tôi còn quá trẻ”. […]

Các vở kịch và bài báo viết về chủ đề: “Tại sao bạn lại thất bại ở tuổi 40?” rất được ưa thích, bởi vì chủ đề đó rất hấp dẫn đối với những tâm hồn đang lo lắng kiếm tìm một lời bào chữa cho bản thân mình.

[…] Năm đó Cecil 40 tuổi. Anh ta mong muốn thay đổi và hoàn thiện mình hơn để có thể trở thành đại diện của một công ty sản xuất, nhưng anh lo nơm nớp mình có phần lớn tuổi. Một lần Cecil bảo với tôi: “Mãi đến giờ, tôi vẫn chưa làm được điều gì hay ho cả, có lẽ phải bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Nhưng tôi đã 40 rồi, tôi đào đâu ra thời gian để bắt đầu lại mọi việc”. […]Một hôm, sau buổi đào tạo, tôi đến gần anh và hỏi: “Cecil này, theo anh, thời gian làm việc hiệu quả nhất của một đời người là khi nào?” Cecil im lặng suy nghĩ rồi trả lời: “Tôi đoán là khi anh ta ở vào độ tuổi 20”.

“Tốt. Thế theo anh, khi nào thì người ta không thể tiếp tục làm việc tốt được nữa?” Anh ấy trả lời: “Nếu luôn khoẻ mạnh, chí thú với công việc, người ta có thể làm việc tốt đến năm 70 tuổi hoặc hơn thế nữa”. Tôi tiếp lời: “Hãy cứ xem những điều anh vừa nói là đúng. Như vậy thời gian một người có thể làm việc tốt là khoảng 50 năm – một nửa thế kỷ đúng không? Cecil này, bây giờ anh 40 tuổi. Vậy anh đã sử dụng hết bao nhiêu năm làm việc hiệu quả trong đời mình rồi?” Cecil đáp: “Hai mươi.” “Vậy anh còn bao nhiêu năm nữa?” “Ba mươi.” “Đúng vậy, Cecil ạ. Nói cách khác, anh còn chưa tận dụng hết một nửa khoảng thời gian mà anh có thể làm việc tốt cơ mà, anh chỉ mới dùng hết 40% thôi.” Giờ đây, Cecil hiểu rằng không phải tuổi tác, mà chính thái độ tiêu cực về tuổi tác mới là trở ngại lớn trên con đường đi đến thành công của anh. Hãy tự cứu mình ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực về tuổi tác, rồi bạn sẽ nắm bắt được nhiều cơ hội tốt mà từ trước đến nay bạn vẫn cho là không thể. […]

Khi bạn đã xua tan được những lo lắng tuổi già, một cách tự nhiên, bạn sẽ cảm nhận trong mình sức trẻ và niềm lạc quan vô tận. Đánh bại được nỗi sợ hãi tuổi già, nghĩa là bạn đã tự tăng thêm tuổi đời cũng như thành công như mình.

Một đồng nghiệp cũ của tôi ở trường đại học, Bill, cũng là một minh chứng thú vị về khả năng đẩy lùi hoàn toàn chứng bệnh “đổ lỗi cho tuổi tác”. Bill tốt nghiệp Đại học Harvard vào những năm 1920. Sau 24 năm miệt mài với công việc môi giới chứng khoán nhưng không dành dụm được bao nhiêu, anh chợt nhận ra mình muốn trở thành một giáo sư đại học. Bạn bè khuyến cáo anh sẽ phải trải qua những chương trình học tập, không khéo anh sẽ kiệt sức. Nhưng Bill quyết tâm đạt được mục tiêu, anh ghi danh vào Đại học Illinois khi 51 tuổi. Bốn năm sau, anh tốt nghiệp. Hiện nay Bill là Trưởng khoa Kinh tế học của một trường đại học khoa học xã hội và nhân văn danh tiếng. Anh ấy rất hạnh phúc. Bill thường cười nói: “Tôi vẫn còn 1/3 số năm sung sức nữa cơ đấy!”. Luôn nghĩ mình già là một căn bệnh dẫn đến thất bại. Hãy đánh bại nó, đừng để nó cản đường bạn đến với thành công.

Vậy, khi nào một người được xem là quá trẻ? Suy nghĩ “Tôi còn quá trẻ” cũng gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Khoảng một năm trước đây, anh bạn Jerry 23 tuổi đến tìm tôi xin lời khuyên về một vấn đề đang khiến cậu bận lòng. Cậu ấy là một chàng trai tốt và tài giỏi. Trước đó Jerry từng là lính dù, sau khi xuất ngũ, cậu thi đậu vào trường đại học. Trong lúc học, Jerry vẫn kiếm tiền nuôi vợ con mình với công việc của một nhân viên bán hàng cho một công ty kho bãi và vận chuyển lớn. Cậu tỏ ra xuất sắc cả trong công việc lẫn trong học tập tại trường.

Nhưng ngày hôm đó Jerry đến gặp tôi với tâm trạng lo lắng. Cậu ấy nói: “Thưa Tiến sĩ Schwartz, tôi đang gặp một vấn đề khó nghĩ. Hiện công ty đang đề nghị bổ nhiệm tôi vào vị trí giám đốc bán hàng. Nếu chấp nhận, tôi sẽ có tám nhân viên dưới quyền”. Tôi hồ hởi: “Chúc mừng cậu,thật là một tin tốt lành. Nhưng sao trông cậu lại có vẻ lo lắng thế?”

Cậu ấy trả lời: “Đúng vậy, vì tám người dưới quyền quản lý đều lớn tuổi hơn tôi. Người già nhất hơn tôi những 21 tuổi, còn người trẻ nhất cũng hơn tôi 7 tuổi, ông nghĩ tôi có nên nhận vị trí đó không? Liệu tôi có làm nổi không?”

“Jerry này, khi tổng giám đốc công ty có ý định bổ nhiệm cậu vào vị trí này, chắc chắn ông ấy đã tin cậu có đủ năng lực. Nếu không, ông ấy đã chọn người khác. Hãy luôn ghi nhớ ba điều, rồi mọi thứ sẽ ổn cả thôi.

Điều thứ nhất, đừng bận tâm đến tuổi tác. Trên đồng ruộng, một chú bé sẽ trở thành một người đàn ông, nếu chứng minh được là mình có khả năng đảm đương những việc mà những người đàn ông trưởng thành thường làm. Tuổi tác lúc đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Điều nay cũng đúng với cậu. Chỉ cần cậu chứng minh mình đủ khả năng đảm nhiệm chức vụ giám đốc bán hàng thì cậu đã đủ tuổi để làm việc đó rồi.

Điều thứ hai, đừng lạm dụng quyền hành. Hãy luôn tôn trọng các nhân viên thuộc cấp, hãy lắng nghe họ. Hãy khiến họ cảm thấy đang làm việc trong một tập thể ăn ý, chứ không phải làm việc cho một kẻ độc tài. Nếu làm được như thế, họ sẽ hợp tác tốt với cậu thay vì toan tính chống lại cậu.

Điều thứ ba,hãy tập làm quen với đội ngũ nhân viên dưới quyền lớn tuổi hơn mình. Không ít nhà lãnh đạo ở nhiều lĩnh vực khác nhau thường trẻ hơn những người mà họ đang quản lý. Vì thế hãy quen với việc đó, Jerry ạ.

Và hãy nhớ rằng, tuổi tác không phải là trở ngại, trừ phi cậu chấp nhận cho nó cản bước mình.”

Hiện nay mọi chuyện với Jerry đang diễn ra tốt đẹp. Cậu ấy thích ngành kinh doanh vận tải và đang có kế hoạch thành lập công ty riêng trong vài năm tới.

Sự ít tuổi chỉ biến thành trở ngại khi nào người trẻ tự ràng buộc mình vào mặc cảm như thế. Bạn thường nghe đến những công việc đòi hỏi sự trưởng thành nhất định, như môi giới chứng khoán hay bán bảo hiểm. Thật vô lý nếu lòng tin của một nhà đầu tư lo đặt cược vào tuổi tác: bạn buộc phải còn trẻ hay đạt đến một độ tuổi nhất định. Điều quan trọng nằm ở chỗ bạn nắm rõ về công việc của mình đến mức nào. Nếu bạn đã nắm rõ công việc và hiểu rõ những người xung quanh, bạn hoàn toàn đủ trưởng thành, chín chắn, đủ kinh nghiệm để đảm nhiệm việc đó.[…]

Nói tóm lại, phương thuốc để chữa trị bệnh “đổ lỗi cho tuổi tác” là:

  1. Hãy nhìn nhận vấn đề tuổi tác một cách tích cực. Hãy luôn nghĩ “Tôi vẫn còn trẻ” chứ không phải “Tôi đã già rồi”. Hãy luôn phóng tầm mắt tới những chân trời mới, tăng thêm sự nhiệt tình cũng như sức trẻ cho chính mình.
  1. Hãy thử tính xem bạn còn bao nhiêu thời gian để làm việc hiệu quả. Hãy nhớ rằng một người 30 tuổi vẫn còn 80% thời gian làm việc hiệu quả ở phía trước. Và một người 50 tuổi vẫn còn đến 40% và cũng là khoảng thời gian sung sức nhất trong cuộc đời. Cuộc sống thực ra dài hơn mọi người thường nghĩ nhiều.
  2. Hãy dành thời gian sắp tới làm những gì bạn thực sự mong muốn. Mọi thứ sẽ chỉ là quá muộn, nếu như bạn cứ đắm mình vào dòng suy nghĩ bi quan “tôi chậm mất rồi”. Hãy ngừng ngay suy nghĩ: “Lẽ ra tôi nên bắt đầu từ mười năm trước”. Đó là suy nghĩ của những kẻ thất bại. Thay vào đó, hãy lạc quan nghĩ rằng “Tôi sẽ bắt đầu ngay bây giờ, còn rất nhiều thời gian ở phía trước”. Đó mới là cách suy nghĩ của những người thành đạt.

Trích sách “DÁM NGHĨ LỚN” – David J.Schwartz, Ph.D 

Trả lời

0917337320
icons8-exercise-96 chat-active-icon
×