“Nhưng mà sức khoẻ của tôi không được tốt lắm.” – MẦM MỐNG CĂN BỆNH “ĐỔ LỖI” CHO SỨC KHỎE

Đổ lỗi cho sức khoẻ có rất nhiều mức độ, nhẹ thì: “Tôi thấy không được khoẻ lắm”, hoặc nặng hơn: “Tôi đang gặp bất ổn ở tim, gan, phổi, não….”. Cái nguyên cớ “sức khoẻ không tốt” vẫn hàng ngày được sử dụng làm lời bào chữa, mỗi khi ai đó không làm được những gì mình muốn, không dám nhận lãnh những trách nhiệm lớn hơn, không kiếm được nhiều tiền hơn, hay không thể đạt được thành công.

Hàng triệu người trên thế giới hiện đang mắc phải chứng bệnh này, nhưng liệu đây có phải là lý do chính đáng trong đa phần các trường hợp hay không? Bạn có thể nhận thấy: tất cả những người thành đạt chưa bao giờ dùng sức khoẻ làm cái cớ cho những thất bại của mình.

Hai người bạn của tôi, một nhà vật lý học và một bác sĩ phẫu thuật, đều khẳng định: về mặt thể chất, trên đời này không có ai là hoàn toàn khoẻ mạnh cả. Bất cứ ai cũng mắc phải một thứ bệnh nào đó, dù nhẹ nhất. Chứng bệnh “dựa vào sức khoẻ để bào chữa cho bản thân” này cũng vậy. Không ít người đã bị nó khuất phục, hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng những người suy nghĩ tích cực và luôn hướng tới thành công thì không.

Một buổi trưa nọ,[…] một anh bạn khoảng 30 tuổi xin gặp riêng tôi vài phút. […] anh buồn bã tâm sự: “E rằng những ý tưởng của ông chẳng thể giúp được gì cho tôi”. Rồi anh ta tiếp tục: “Ông biết không, những cơn đau tim cứ liên tục hành hạ khiến tôi không thể làm gì được”. Anh bạn trẻ đã đến gặp bốn vị bác sĩ khác nhau nhưng không ai phát hiện ra anh ta có vấn đề gì. […] Tôi đáp: “Thực ra tôi không có kiến thức gì về tim mạch cả. Nhưng nếu tôi, hay bất cứ một người bình thường nào khác ở vào hoàn cảnh của anh bây giờ thì […] tôi sẽ tìm đến một chuyên gia tim mạch giỏi, nhờ ông ấy khám kỹ lưỡng và sẽ nghe theo những chuẩn đoán của ông ấy. Như anh vừa kể, anh đã đi khám những bốn bác sĩ mà không ai chỉ ra được điều gì bất thường ở tim anh cả. Vậy hãy xem như lần thứ năm này là lần kiểm tra cuối cùng. Biết đâu anh đang có một trái tim hoàn toàn khoẻ mạnh thì sao. Còn nếu anh cứ tiếp tục lo lắng, suy nghĩ về nó, rất có thể cuối cùng anh sẽ mắc bệnh tim thật đấy!

Và […] nói thật với anh, bản thân tôi luôn quyết tâm sẽ sống hết mình cho đến hơi thở cuối cùng”. Đây cũng là lời khuyên chân thành nhất mà vài năm trước tôi nhận được từ một người bạn thật sự. Ông bạn của tôi mắc bệnh lao. Từ lúc đó, ông ấy biết cuộc sống của mình sẽ luôn phải gắn với những buổi chữa trị thường xuyên, những quy định nghiêm ngặt về sức khoẻ. Thế nhưng ông ấy không bận tâm, sợ hãi hay lo lắng gì cả. Ông ấy vẫn lạc quan theo đuổi ngành luật, xây dựng một gia đình hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống. Hiện giờ ông ấy đã 78 tuổi. Sau bao năm vất vả trên đường đời, ông ấy đã đúc kết được quan niệm sống cho bản thân mình: “Tôi không bao giờ lo lắng, nghĩ ngợi về chuyện sống hay chết. Một khi vẫn còn sống trên cõi đời này, tôi sẽ sống thật sự, sống hết mình. Bất cứ lúc nào tôi lo lắng về phút lâm chung, đó là lúc tôi đang chết đấy”

Sau đó, tôi đáp chuyến bay tới Detroit. Trên máy bay, tôi lại được chứng kiến câu chuyện thứ hai, một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi máy bay vừa cất cánh, tôi bỗng nghe tiếng tíc tắc đâu đó. Hơi giật mình, tôi nhìn sang người đàn ông ngồi ghế bên, vì dường như tiếng động phát ra từ phía anh ta. Anh ta mỉm cười thân thiện, bảo: “À, không phải bom đâu. Tiếng tim tôi đập ấy mà”.

[…] Trước đó ba tuần, anh ta đã trải qua một cuộc phẫu thuật thay van tim nhân tạo. Anh bảo rằng khi những tiếng tích tắc ấy sẽ không còn nữa. Nghe đến đấy, tôi mới hỏi về những dự định tiếp theo của anh ta. Anh vui vẻ trả lời: “À, tôi có nhiều kế hoạch trọng đại lắm. Khi trở về nhà ở Minnesota, tôi sẽ đăng ký vào trường luật. Tôi hy vọng một ngày nào đó mình có thể làm việc cho chính phủ. Các bác sĩ cho biết sau khi nghỉ dưỡng trong vài tháng, tôi sẽ hoàn toàn khoẻ mạnh trở lại và có thể làm việc như bao người bình thường khác”.

Còn rất nhiều trường hợp khác nữa minh chứng về chứng bệnh đổ lỗi cho sức khoẻ. […] Một người luôn suy nghĩ mình sắp chết mặc dù bệnh tình của anh ta chưa đến mức đáng lo ngại. Vì sợ bị nhiễm trùng, anh ta tránh xa bất cứ ai có triệu chứng sổ mũi dù chỉ mới hắt hơi sơ sài. Sợ bị kiệt sức, anh ta hầu như chẳng dám động tay động chân làm gì cả. Lúc nào anh cũng lo lắng xem điều gì có thể xảy ra tiếp theo. Mọi người xung quanh chán ngán vì suốt ngày phải nghe những lời kêu than, phàn nàn. Thực ra căn bệnh của anh ta chẳng phải là tiểu đường, mà chính là chứng bệnh đổ lỗi cho sức khoẻ để biện hộ cho sự lười nhác của mình. […]

4 điều bạn có thể làm để vượt qua căn bệnh đổ lỗi cho sức khoẻ

  1. Hãy tránh nhắc đến sức khoẻ của bạn.Việc nói quá nhiều về một căn bệnh, dù chỉ là cảm lạnh thông thường, sẽ khiến bạn cảm thấy càng tồi tệ hơn. Việc nhắc đi nhắc lại về bệnh tật ốm yếu cũng giống như bón phân cho các hạt mầm “tiêu cực” vậy. Hơn nữa, suốt ngày than vãn về sức khoẻ của mình cũng chẳng phải là một thói quen tốt đẹp. […] Mọi người chỉ có thể (xin cho phép tôi được nhấn mạnh từ có thể ) cảm thông đôi chút khi ai đó suốt ngày kêu ca về bệnh tật và sự ốm yêu của mình, song họ sẽ không bao giờ tôn trọng, hay hết lòng phục vụ những người như vậy cả!
  2. Đừng quá lo lắng về sức khoẻ của mình. Tiến sĩ Walter Alvarez, cố vấn danh dự của Bệnh viện Mayo gần đây viết rằng: “Đối với những người suốt ngày chỉ ru rú trong nỗi sợ hãi, lo lắng, tôi đã phải khẩn cầu họ hãy rèn luyện cách kiểm soát bản thân hơn nữa. Ví dụ, một người đàn ông cứ khăng khăng bảo rằng túi mật của mình không ổn. mặc dù tám bản phim chụp X-quang chỉ rõ anh ta hoàn toàn khoẻ mạnh. Tôi đã phải cố thuyết phục anh ta thôi không chụp X-quang nữa. Tôi cũng từng yêu cầu hàng trăm người khác dừng tất cả các xét nghiệm điện tâm đồ vì thực tế là tim họ hoàn toàn bình thường”.
  3. Hãy cảm ơn cuộc sống vì bạn còn được khoẻ mạnh đến bây giờ. Có một câu nói đáng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Tôi đã luôn ca cẩm chỉ vì mình có đôi giày lỗi thời cho đến ngày tôi gặp một người không còn chân để được mang giày”. Bởi thế, thay vì kêu ca thàn phiền “cảm thấy bất ổn”, bạn nên vui sướng, hạnh phúc vì mình vẫn khoẻ mạnh, lành lặn vào lúc này. Điều đó sẽ tốt hơn cho bạn rất nhiều. Liều vắc-xin tốt nhất để tránh những cơn đau, bệnh tật đang giày vò, chính là thái độ lạc quan, sự mãn nguyện và lòng biết ơn vì sức khoẻ mà bạn hiện có.
  4. Hãy thường xuyên tự nhắc nhở mình “Thà bị mòn còn hơn bị gỉ”. Cuộc sống là của chính bạn, hãy tận hưởng hết mình. Đừng lãng phí cuộc sống bằng những suy nghĩ vẩn vơ về bệnh tật.
16" X 16" Grateful Fall Sunflower By Veronique Charron Framed Canvas Wall Art - Amanti Art : Target

Trích sách “DÁM NGHĨ LỚN” – David J. SCHWWARTZ, PH.D 

Trả lời

0917337320
icons8-exercise-96 chat-active-icon
×