“Nhưng phải có trí tuệ thì mới thành công được chứ!” – MẦM MỐNG CĂN BỆNH “ĐỖ LỖI” CHO TRÍ TUỆ

Chứng bệnh đổ lỗi cho trí lực bằng lời than phiền: “Tôi kém thông minh lắm” là rất thường gặp. Bạn có bất ngờ không, nếu biết căn bệnh này phổ biến đến mức 95% những người xung quanh bạn mắc phải, với các cấp độ khác nhau. Khác với những dạng “tự bào chữa” khác, những người mắc bệnh này thường âm thầm chịu đựng. Chẳng mấy ai dễ dàng thừa nhận là mình kém thông minh. Thay vào đó, họ thường cảm nhận nó ở sâu xa bên trong tâm hồn.

Khi nhắc đến năng lực trí tuệ, hầu hết chúng ta thường mắc phải hai sai lầm cơ bản sau:

  1. Đánh giá quá thấp trí tuệ của mình.
  2. Đánh giá quá cao trí tuệ của người khác.

Chính vì những đánh giá sai lầm như thế mà rất nhiều người gần như xem thường bản thân mình. Họ không thể giải quyết những tình huống khó khăn chỉ vì họ cho rằng mình không đủ trí tuệ để làm được điều đó. Thế nhưng, những người không bận tâm nhiều đến trí thông mình hoặc khả năng tư duy của mình thì luôn hoàn thành tốt công việc. Thực ra, cách bạn sử dụng trí tuệ khi giải quyết một vấn đề quan trọng hơn nhiều lượng thông minh mà bạn có. […]

Tại sao một số người đặc biệt thông minh nhưng vẫn thất bại? […]

Một người bạn mà tôi quen thân đã khá lâu, anh ấy được tuyển vào quân đội ngay sau khi nhận được bằng tiến sĩ tại một trường đại học hàng đầu New York. Suốt ba năm trong quân ngũ, anh ấy đã làm được gì? Không trở thành một sĩ quan, cũng chẳng phải một chuyên viên huấn luyện nhân sự. Trong ba năm liền anh ấy chỉ lái xe tải. Tại sao? Bởi vì trong đầu anh ấy luôn ngập đầy những suy nghĩ ngạo mạn một cách tiêu cực về đồng đội lính tráng (“Mình giỏi hơn họ nhiều”), về các phương pháp rèn luyện của quân đội (“Chúng thật ngớ ngẩn”), về kỷ luật quân ngũ (“Những điều đó dành cho những kẻ ngờ nghệch, không phải cho mình), để rồi tự đay nghiến bản thân (“Mình thật là ngu ngốc khi không thể tìm được cách thoát khỏi cực hình này”). Những người như anh ta rồi sẽ chẳng được ai tôn trọng. Tất cả những gì anh ta học được đều trở nên vô ích. Chính thái độ tiêu cực đã vô tình biến anh ta thành một kẻ tầm thường.

Hãy nhớ rằng, để giải quyết vấn đề thì cách bạn sử dụng trí thông minh quan trọng hơn nhiều so với lượng trí thông minh bạn có. Ngay cả một tiến sĩ cũng không phải là ngoại lệ của nguyên tắc cơ bản này. […]

Thực ra, tính cách bẩm sinh mà chúng ta được nhận từ lúc sinh ra, chúng ta khó lòng hoán đổi hoàn toàn, song chúng ra vẫn có thể tạo ra sự thay đổi trong cách sử dụng tri thức. Tri thức sẽ trở thành sức mạnh, nếu chúng ta sử dụng chúng một cách hợp lý. Chứng bệnh “đổ lỗi cho trí lực” thường đi liền với một số suy nghĩ sai lầm về tri thức. Chúng ta thường nghe mọi người nói tri thức là sức mạnh. Nhưng nhận định này chỉ đúng một phần, và chỉ dừng ở mức tiềm năng. Tri thức chỉ trở thành sức mạnh thực sự khi được sử dụng đúng cách, đúng mục đích. Khi được hỏi “Một dặm tương đương với bao nhiêu bộ?”, nhà bác học Einstein đã trả lời: “Tôi không biết. Tại sao tôi phải nhồi vào đầu mình những con số mà tôi có thể dễ dàng tìm thấy ở bất cứ một cuốn sách tham khảo phổ thông nào!”.

Einstein quả thực đã dạy chúng ta một bài học đáng giá. Ông luôn tin rằng mọi việc sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta sử dụng trí óc để suy nghĩ, chứ không phải để làm nhà kho chứa những sự thật hiển nhiên.

Henry Ford đã từng một lần kiện báo Chicago Tribune vì tội phỉ báng khi họ gọi ông là kẻ ngu dốt. Ford bảo họ: “Các ông hãy chứng minh xem!”. Để đáp trả, tờ báo yêu cầu Ford trả lời vài câu hỏi đơn giản như: “Benedict Arnold là ai?”; “Cuộc chiến tranh Nam – Bắc diễn ra khi nào?” và một vài câu khác nữa. Vì không được đi học từ nhỏ nên hầu như Ford chẳng trả lời được câu nào. Cuối cùng, Ford tuyên bố: “Tôi không thể trả lời được, nhưng chỉ cần 5 phút thôi, tôi sẽ tìm ra một người có thể trả lời tất cả”. Henry Ford chưa từng quan tâm đến những thông tin đó. Nhưng ông biết những điều mà một giám đốc điều hành cấp cao cần phải biết: đó là khả năng tìm kiếm và xử lý thông tin quan trọng hơn nhiều, so với việc sử dụng bộ óc như một nhà kho để lưu trữ tất cả mọi thứ. Một người chứa đầy trong đầu những kiến thức sách vở, thực sự họ đáng giá bao nhiêu?

Vài ngày trước đây, tôi đã có một buổi tối thú vị bên một người bạn. Anh ấy hiện đang là giám đốc một doanh nghiệp sản xuất, tuy mới thành lập nhưng tốc độ phát triển rất nhanh và gặt hái được nhiều thành công. Trong lúc nói chuyện, chúng tôi tình cờ chuyển ti-vi sang một trong những game show truyền hình được ưa thích nhất. Người chơi trong chương trình hôm đó trả lời được rất nhiều câu hỏi ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng phần lớn chúng đều chẳng có ý nghĩa gì cả. Sau khi anh ta trả lời xong một câu hỏi vớ vẩn gì đó về một ngọn núi ở Argentina, người bạn tôi hỏi: “Anh nghĩ tôi sẽ trả cho anh chàng này bao nhiêu, nếu anh ta làm việc cho tôi?”.

Tôi tò mò: “Bao nhiêu?”

“Ừm. Tôi sẽ trả đúng 300 đô-la, không hơn không kém một xu! Không phải 300 đô-la một tuần hay một tháng đâu, mà là một đời! […] Thực chất, anh ta chẳng khác gì một cuốn bách khoa toàn thư “sống”. Với 300 đô-la, tôi hoàn toàn mua được một cuốn bách khoa toàn thư tốt. Có lẽ 300 đô-la cũng…. Còn quá cao, bởi thực tế là chúng ta có thể tra cứu đến 99% những điều anh chàng này biết trên google.com hầu như hoàn toàn miễn phí.

Anh nói tiếp: “Tôi muốn các cộng sự của mình phải là những người biết cách giải quyết vấn đề, biết sáng tạo và tìm ra những ý tưởng mới. Họ phải biết ước mơ, sau đó biến ước mơ thành hành động cụ thể. Chỉ một người biết tư duy mới có thể cùng tôi kiếm tiền, còn một người chỉ biết đọc và lưu trữ mọi thức trong đầu thì thực dự chẳng thể làm nên trò trống gì”.

3 cách chữa trị căn bệnh “đổ lỗi cho trí lực”

  1. Đừng bao giờ đánh giá thấp trí tuệ của mình, và cũng đừng bao giờ đánh giá quá cao trí thông minh của người khác. […] Hãy nhớ rằng trí thông minh của bạn nhiều ít không quan trọng bằng việc bạn sử dụng nó như thế nào. Hãy sử dụng trí tuệ của mình một cách có ích, thay vì chỉ mãi lo lắng xem mình có thông minh hay không.

2. Mỗi ngày hãy tự nhắc nhở: “Thái độ mà bạn thể hiện quan trọng hơn nhiều so với trí thông minh bạn có”. Dù trong công việc hay cuộc sống hay cuộc sống thường ngày, hãy luôn suy nghĩ tích cực. Hãy cố gắng tìm ra những lý do để chứng minh bạn có thể làm được việc, thay vì bạn không thể. […] 

3. Hãy nhớ rằng khả năng tư duy đáng giá hơn rất nhiều khả năng thu nhập và lưu trữ kiến thức. Hãy sử dụng bộ não tư duy và phát triển những ý tưởng sáng tạo, để tìm ra con đường mới hơn, hợp lý hơn – bất luận bạn đang làm việc gì. […]

Trích sách “DÁM NGHĨ LỚN” – David J.Schwartz, Ph.D 

Trả lời

0917337320
icons8-exercise-96 chat-active-icon
×